Vị trí địa lý Hòn Bà

Hòn Bà là một núi nằm giữa hai xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang khoảng 60 km về phía Tây Nam. Hòn Bà cao 1578m so với mặt nước biển, đến được Hòn Bà từ Nha Trang thì mất hơn 2 tiếng, con đường từ chân núi lên đỉnh núi quanh co uốn lượn, nhìn từ xa như một con rắn đang quấn quanh đỉnh núi, trung bình độ dốc ở đây là 8 độ, cho nên cũng khá dễ dàng chạy lên đỉnh núi.

Thời tiết và cảnh quan Hòn Bà

Có độ cao hơn Đà Lạt, nhiệt độ ở Hòn Bà dao động từ 10-20oC và quanh năm mây phủ. Đường lên Hòn Bà được cho là đi xuyên qua rừng nguyên sinh nhưng nay chỉ còn vài cây cổ thụ, còn lại là nhiều cây tạp tầm thấp. Ở đây không có thông như Đà Lạt. Gần đến đỉnh, một bên sườn núi trời trong xanh, bên còn lại mây mù lãng đãng.

Suốt chặng đường lên Hòn Bà cảnh quan thay đổi liên tục từ rừng đại ngàn, rừng lồ ô rồi tới rừng lá kim. Vượt qua hai con dốc sẽ gặp con đường bằng bám theo vách núi là nơi mặc sức cho dương xỉ và phong lan chen mọc trong sương, giữa trùng trùng cỏ xanh.

Đường lên Hòn Bà quanh co đèo dốc là một thử thách thú vị với các tay lái trẻ. Bên phải là những vách đá cùng những vạt cây dại, rừng bạch đàn, rừng trúc… rậm rạp, um tùm. Bên trái là hồ chứa nước Suối Trầu xanh thẳm, đẹp như một dải lụa mềm mại giữa những ngọn đồi hùng vĩ và những đám mây trắng bồng bềnh. Đi tiếp vài km, bạn sẽ thấy suối Đá Giăng trắng xóa, uốn lượn, ẩn hiện men theo những vạt rừng nguyên sinh.

Lên tới độ cao 300m, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi tại khu du lịch Suối Nguồn. Tại đây, sau khi thỏa thuê bơi lội trong dòng suối trong vắt, nằm nghe suối reo róc rách và tiếng ve lảnh lót, bạn hãy thưởng thức món cá trê nướng muối ớt hay món gà rừng om sả, để lấy sức tiếp tục lên Hòn Bà.

Cảnh vật hai bên đường là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ với những vạt hoa dại đủ màu đua nhau khoe sắc. Đây đó, thấp thoáng những cây kơnia cổ thụ xanh rì, những cây bông gòn đang mùa trổ bông trắng muốt … đỉnh núi mây mù bao phủ quanh năm, mưa hầu như quanh năm ở Hòn Bà (252 ngày mưa/năm).

Ngôi nhà sàn bằng gỗ màu nâu sậm của bác sĩ Alexandre Yersin (ảnh nhỏ) với diện tích 11,4m x 8,7m được phục chế năm 2004 nằm trên đỉnh núi. Tại đây, vẫn còn nguyên những dấu tích xưa như chuồng nuôi ngựa, bể chứa nước mưa, cây trà cổ thụ trăm tuổi, khu gác lửng với ghế đá, bàn đá, chiếc giường nhỏ, thư viện nơi bác sĩ làm việc

Bên cạnh đó, vườn thực vật tại khu du lịch Hòn bà là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai có sở thích về cây cỏ hoa lá. Nơi đây sẽ được xếp đá xây ngăn suối tạo thác và trồng các loại hoa, cây và phong lan. Nhà hàng trên thác sẽ là một nơi nghỉ ngơi khá đặc sắc của khu vực, thích hợp cho những ai thích có cảm giác chinh phục thiên nhiên. Phía Bắc đường giao thông sẽ tổ chức đường đua xe đạp địa hình phục vụ du khách du ngoạn bằng xe đạp trong rừng theo địa hình tự nhiên tạo cảm giác mạo hiểm. Bãi đá giữa dòng suối được chọn làm đảo “hải tặc” – nơi có những trò chơi kích thích tính tò mò, mạo hiểm và sở thích khám phá của du khách.

Các nhà khoa học đã thống kê được tại khu vực Hòn Bà, tỉnh Khánh Hoà, có 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Tại đây hiện có 559 loài thực vật nhiệt đới bao gồm 401 chi, 120 họ thực vật bậc cao và 4 lớp chim, thú thuộc 27 bộ, 88 họ với 255 loài.…

Lịch sử Hòn Bà 

Hòn Bà là một nơi mà bác sĩ Yersin đã từng sống và làm việc vào đầu thế kỷ 20 và chính ông là người đã khám phá ra Hòn Bà vào ngày 22/09/1863, ông thấy nơi đây mát mẻ quanh năm thích hợp cho rất nhiều loại cây thuốc sống nên ông đã quyết định xây dựng ngôi nhà gỗ lớn tại đỉnh núi này để nghiên cứu thuốc chữa bệnh, và cuối cùng ông đã nghiên cứu thành công thuốc chữa bệnh sốt rét bằng cây Canh Ki Na (còn gọi là cây Ký Ninh). Ngôi nhà của bác sỉ hiện được ban quản lý phục vựng nhằm tưởng nhớ công ơn bác sỉ Yersin đã khám phá ra Hòn Bà và dùng nơi đây để cho khách du lịch khám phá và tìm hiểu về lịch sử.

 Hòn Bà đã được nhà nước thành lập thành khu bảo tồn theo quyết định số 98/2005/QĐ-UBND, ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh Khánh Hòa, nhằm bảo tồn đa dạng hệ sinh thái và hệ động vật quý hiếm, phòng về đầu nguồn duy trì nguồn nước cho hồ Suối Dầu, cũng là nơi giành để cho các nhà nghiên cứu về rừng và cuối cùng là tạo ra một khu du lịch sinh thái cho nhiều du khách đến tham quan khám phá.

Một ý tưởng đã được đưa ra trước năm 2001 là biến khu bảo tồn này thành khu du lịch trên núi, và ý tưởng đã được thực hiện vào đầu năm 2001 công trình làm đường lên đỉnh núi hoàn thành vào 2004 với chiều dài 37 km từ Suối Cát lên đỉnh núi Hòn Bà và kéo điện lên đỉnh núi, nhằm thu hút các đại gia mua đắt để xây khách sạn hoặc các hoạt động giải trí, nhưng ý tưởng hoàn toàn bị bế tắt. Lý do là con đường xuống cấp nhanh chóng, hệ thống dây điện bị người dân cắt trộm, vì thế đến bây giờ Hòn Bà vẫn còn nét hoang sơ.

Hòn Bà hiện là khu du lịch, do Khách sạn Yasaka Saigon Nha Trang quản lý, với ngôi nhà của bác sĩ Yesin đã được phục dựng, cùng nhà hàng, bungalow và các dịch vụ khác

Hướng dẫn đường đến Hòn Bà Nguyên Sơ

Hòn Bà cách Nha Trang khoảng 30 km đường chim bay, còn đi đường bộ phải hơn 60 km. Từ Nha Trang, bạn có thể lên Hòn Bà bằng ô tô hoặc xe máy. Từ Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, rẽ vào con đường nhỏ sát chân núi, cạnh hồ Suối Dầu để bắt đầu hành trình chinh phục Hòn Bà. Con đường 37 km từ Suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà với những khúc cua cùi chỏ sẽ thỏa mãn đam mê đối với những người ưa mạo hiểm.

Ghi chú khi đến tham quan Hòn Bà

Hòn Bà đẹp nhất vào mỗi buổi sáng sớm, khi mây sà xuống thấp, phủ trên những cánh rừng già, những tia nắng đầu tiên chiếu qua kẽ lá; nhưng cũng có người cho rằng Hòn Bà đẹp nhất lúc hoàng hôn với nắng chiều loang trên những vạt cỏ tranh, với mặt trời “treo” trên đầu cây cổ thụ...

Một số lưu ý khi đi đến Hòn Bà Nguyên Sơ

Để chuẩn bị cho chuyến đi các bạn cần chuẩn bị thức ăn, nước uống, đồ mặc hay các vật dụng khác phù hợp cho chuyến đi núi.

Đoạn đường leo và xuống đèo gần 80km cả đi lẫn về sẽ rất tốn xăng nên các phượt thủ cần chú ý đổ xăng đầy đủ từ ngoài quốc lộ.

Về đêm, nhiệt độ có thể xuống dưới 10°C nên cần mang theo áo đủ ấm. Việc sử dụng lửa phải hết sức cẩn thận để để phòng hỏa hoạn, cháy rừng.

Chúc các bạn có chuyến khám phá Hòn Bà đầy ý nghĩa .