Tháp đôi Quy Nhơn được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, gồm hai tháp liền kề nhau, một tháp cao, và một tháp nhỏ cùng nằm trên địa thế tương đối bằng phẳng. Tháp đôi được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của tháp Champa, vừa mang phong cách nghệ thuật Khmer thời Ancovat-Bayon. Công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1980. 

Tháp Đôi Quy Nhơn

(tháp đôi Quy Nhơn)

Tháp đôi Quy Nhơn có cấu trúc gồm hai phần, phần thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Các góc tháp được tạc hình chim thần Garuda, trong tư thế hai tay đưa lên như nâng đỡ tháp. Cửa chính của hai tháp đều quay về hướng Nam. Tháp được xây bằng gạch nung với kỹ thuật đặc biệt chỉ xuất hiện trong kiến trúc của người Chăm cổ. Gạch được xếp khít với nhau, bằng chất kết dính rồi nung thành một khối vững chắc. Tháp còn sử dụng chất liệu đá tảng để làm phần đế cho cả hai tháp và chân diềm mái. Đây là một điểm độc đáo chỉ có ở di tích tháp đôi Quy Nhơn. Trên cả hai ngôi tháp, đều xuất hiện các họa tiết trang trí như tượng thần, các bức phù điêu diễn tả các vũ công đang múa những điệu trong truyền thuyết Chăm, cùng các con vật voi, khỉ, hưu rất sống động và tinh tế. 

Tháp Đôi nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp nằm trong khuôn viên rộng rã 6.000m2, có cây xanh che mát nên rất lý tưởng cho du khách dừng chân ghé lại tham quan. Giá mỗi vé tham quan Tháp đôi là 8.000d/vé. Vào dịp Tết hay lễ đặc biệt, tại tháp còn diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, trình diễn nghệ thuật múa Chăm rất đặc sắc.