Có người cho rằng: “Huế đẹp nhưng buồn”, có lẽ, chính cái buồn ấy đã khiến cho những kẻ ra đi, những người giã từ cố đô phải mang nhiều hoài niệm, lưu luyến, tiếc nuối. Và một khi được có dịp về ghé thăm, cảm xúc dành cho Huế chưa bao giờ vơi bớt trong mỗi người

Ca dao có câu:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Chùa Thiên Mụ, hay còn được gọi là chùa Linh Mụ, là một trong năm ngôi chùa thuộc quốc tự của Huế, với gần 420 năm tuổi do chúa Tiên – Nguyễn Hoàng xây dựng từ năm 1601. Chùa nằm ở tả ngạn con sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Tương truyền rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm Quảng Nam, ông đi xem xét địa thế để sau này mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang san cho nhà Nguyễn sau này. Ông đến một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước, tựa thế con rồng đang quay đầu nhìn lại. Nghe cư dân địa phương thuật lại rằng, ở đây, vào ban đêm, thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tư tưởng của chúa Nguyễn Hoàng trùng khớp với tâm nguyện của nhân dân nên vào năm 1601, ông đã cho xây dựng một ngôi chùa trên đồi, quay mặt ra sông Hương, và đặt tên là chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ được khởi công xây dựng từ năm 1601, và đến năm 1691-1725 theo đà phát triển của Phật giáo, chùa được xây dựng lại theo qui mô lớn hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn gọi là Đại Hồng Chung. Năm 1844, nhân dịp mừng thọ vợ vua Gia Long, vua Thiệu Trị - cháu nội của bà, đã ra lệnh kiến trúc lại ngôi chùa, xây một tháp bát giác Từ Nhân (sau này đổi tên là Tháp Phước Duyên). Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, bên trong có thang hình xoắn ốc dẫn lên đỉnh tháp nhưng đến nay thì tháp đã yếu nên du khách tham quan không được lên tháp.

Tháp Phước Duyên - Chùa Thiên Mụ

Tháp Phước Duyên

Trước đây, phía trước tháp Phước Duyên là đình Hương Nguyện, phía trên đỉnh có đặt Pháp luân – tức là bánh xe Phật pháp, nhưng đến nay đã bị sụp đổ hoàn toàn vì bão tàn phá, chỉ còn sót lại vết tích. Đi sâu vào bên trong chùa, hiện nay, chỉ còn lại những công trình kiến trúc như: tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng…cùng bia đá, chuông đồng, những bức tượng Hộ pháp, tượng Thập Vương, tượng Tam Thế Phật.

Chùa Thiên Mụ

Dạo quanh khuôn viên chùa là cả một vườn hoa cỏ xanh tươi mát.

Chùa Thiên Mụ

Có hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng được đặt gần chiếc ôtô – di vật của cố hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Chùa Thiên Mụ

Di vật của cố hòa thượng Thích Quảng Đức

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu – trụ trì của chùa Thiên Mụ, thường xuyên làm công ích xã hội.

Chùa Thiên Mụ
 

Được vào tham quan chùa Thiên Mụ, ta thấy được hệ thống kiến trúc hài hòa cùng thiên nhiên, chùa được nằm trên vị thế đẹp. Đứng ở trên đồi, chúng ta có thể quan sát được con sông Hương thơ mộng.

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ cổ kính, nằm trầm mặc bên bờ sông Hương hiền hòa, từ lâu đã trở thành một biểu tượng linh thiêng của xứ Huế.  

My My