Ô Loan là tên một đầm ở Phú Yên, đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh. Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía Đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm nằm về phía Nam thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú yên. Đầm rộng hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét; mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Một lạch nhỏ nối đầm với biển. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải.

Trong đầm có nhiều loại hản sản quý như cá mú, sò huyết, ghẹ,...

Hiện đầm Ô Loan đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi việc đắp đập khoanh vùng để nuôi thủy sản vì nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

Nằm vị trí thuận lợi, sát Quốc Lộ 1, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hòa 22km có một địa điểm nổi tiếng từ lâu, một địa danh gắn với lịch sử phong trào Cần Vương đó là đầm Ô Loan.

Đầm Ô Loan

Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan rộng khoảng 1200ha, từ xa nhìn lại đầm có hình dáng như một con phượng xòe khoe đôi cánh. Từ đầm Ô Loan nhìn về phía tây là những dãy đồi nhỏ san sát trùng điệp. Phía đông là mả Cao Biền, một đồi cát nằm sát biển được gió xoáy cát bồi đắp nên. Nơi cồn cát này gắn với sự tích dân gian Cao Biền bị trời chôn nên gắn với tên gọi mả Cao Biền. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.

Cảnh vật nên thơ càng trở nên tuyệt vời trên đầm Ô Loan trong những buổi chiều về. Hoàng hôn trên đầm Ô Loan tạo nên một bức tranh vẽ hoàn hảo. Cảm giác nhẹ nhàng ngắm trời chiều khi về nơi đây rất tuyệt vời.

Đầm Ô Loan

 

Đầm  Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền, với đặc sản rất nổi tiếng là sò huyết, hàu. Hai món sò huyết, hàu nấu cháo, nấu canh, xào hoặc tái trộn lạc rang, cà chua là những món ăn mà ai cũng nhớ đến khi nhắc đến tên đầm Ô Loan.

Ở Đầm Ô Loan còn có đặc sản cua hoàng đế. Ngoài ra, đầm Ô Loan còn có rất nhiều hải sản tươi ngon như: tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp… những đặc sản mà nếu đến đây sẽ không ai muốn bỏ lỡ. Cảnh sắc đầm Ô Loan không những đi vào ca dao mà còn làm say lòng bất kì du khách nào đặt chân đến đây.

Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan

Nước trời cùng với mây liên hoàn

Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở

Khí mát lan bay sắc đẹp tràn

Truyền thuyết Đầm Ô Loan

Theo truyền thuyết, thuở xưa trên trời có nàng tiên rất xinh đẹp nhưng tính tình tinh nghịch và bướng bỉnh tên là Loan. Một ngày nọ, nàng mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát. Khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay nên đã hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi – một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau. Sau này, người dân quanh vùng đã ghép chung tên chim Ô thước và nàng Loan, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm.

Ẩm thực Đầm Ô Loan

Trong đầm còn có những rạng ngầm dưới mặt nước, là nơi để những con hàu bám vào sinh sống, một loại hải sản ngon, mát bổ. Đầm Ô Loan có nhiều hải sản sinh sống như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú… nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là con sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và rất thơm, thơm hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trước đây, sò huyết Ô Loan không chỉ có mặt khắp nơi trong nước mà còn xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan…

Món đặc sản khác ở Ô Loan là hàu. Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) nhà thơ nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: "Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”. Hàu sống dựa vào các tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Hàu dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua.

Món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm, ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.

Hiện nay, đầm Ô Loan được Bộ VHTT xếp vào di tích danh thắng cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân sống quanh đầm tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống, thu hút nhiều đội ghe đua ở các địa phương khác đến tham gia. Trước đó, ngư dân cũng tổ chức cúng thần, cầu ngư, hò bá trạo…