Đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất tại tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Công trình này do một kỹ sư người Pháp tên Lefevre cùng người cộng sự là kỹ sư Nordey thiết kế năm 1917, khởi công năm 1924 và hoàn thành năm 1932 với công sức của hàng vạn lao phu, công nhân địa phương và cả xương máu của hơn 50 người dân Phú yên.

Đập nối núi Trù Cát, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa ở bờ bắc với núi Qui Hậu, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa ở bờ nam, đập nước dài 688 mét với hơn 2500 hạng mục lớn nhỏ, có hai kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Nam tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km²

Hàng năm vào mùng 8 Tết Nguyên Đán có lễ hội nhằm tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông du khách gần xa đến tham quan, du ngoạn xuân.

Nhắc đến công trình đập Đồng Cam ra đời cách đây gần 100 năm bằng hàng chục triệu ngày công lao động thủ công đào núi, ngăn sông xây đập của hàng vạn người dân Phú Yên xưa. Đến nay, đã thành thông lệ ngày mồng tám tháng Giêng hàng năm là ngày lễ hội đập Đồng Cam, dân quanh vùng lại nô nức đến để dự hội – Lễ hội tri ân người xưa đã làm nên con đập “kỳ vĩ” này, đem lại nguồn lợi kinh tế, mùa màng bội thu cho người dân trong tỉnh.

Con đập dài trên 688m, 14 cửa van xả nước, được xây dựng trên nền đá granit tự nhiên chắc chắn, bền vững. Gần 1 thế kỷ trôi qua, ngày nay, công trình được ghi nhận là danh thắng quốc gia do chính bàn tay, khối óc con người lao động địa phương đã làm nên. Mặt đập xây theo kiểu tổ ong, mỗi viên đá chỉ được xếp cách nhau đều đặn 2cm. Khi làn nước tràn qua làm sáng lên lấp lánh một màn bạc, làm say lòng biết bao du khách ghé đến tham quan nơi đây.

Đập Đồng Cam

Đập Đồng Cam nối liền 2 dãy núi cao Trù Các và Qui Hậu, tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Mặt nước hồ Đồng Cam rộng hàng trăm ha. Đến Đập Đồng Cam, du khách sẽ cảm nhận được giá trị to lớn của sức người xây dựng nên, đồng thời, trân trọng và gìn giữ công trình lịch sử này.