Điểm đến du lịch liên quan:

Đà Nẵng

Địa điểm du lịch, thăm quan, vui chơi, giải trí liên quan:

Ngũ Hành Sơn - Non Nước

Truyền thuyết kì bí Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng

Truyền thuyết kì bí Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng

Khi đến du lịch Đà nẵng ắt hẳn bạn đã từng đến khám phá địa điểm du lịch Ngũ hành sơn - Núi Non Nước Đà nẵng. Qua bài bài bạn sẽ hiểu thêm về Ngũ Hành Sơn, về Truyền thuyết kì bí Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng

Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn- Núi Non Nước xuất phát từ trong chuyện Chăm Pa cổ. Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một cụ già từ miền biển phía Bắc xa xôi bơi thuyền đến cập vào bãi biển hoang sơ phía Đông dãy Trường Sơn Nam (Đà Nẵng ngày nay).

Truyền thuyến về Ngũ hành Sơn - Đà Nẵng

Thấy địa thế thuận lợi, gần sông, tựa núi, cụ dựng một túp lều cỏ và sống bằng nghề chài lưới. Một ngày nọ, khi sửa soạn ra khơi đánh cá như thường lệ, cụ bỗng thấy trời bổng nổi sấm, gió thổi vùn vụt, mặt biển sôi động, từng đợt sóng cao xô vào bờ cuồn cuộn. Trong tiếng gầm rít của gió, tiếng gào thét của sóng, cụ già thấy hiện ra một con rồng khổng lồ từ biển tiến vào. Biết cơ sự chẳng lành, điều hung sắp đến, cụ hoảng hốt tìm nơi lẩn tránh. Từ nơi ẩn nấp, cụ nghe một tiếng sấm vang lên, tiếng gầm thét dữ dội và từ dưới bụng con rồng lăn ra một quả trứng lớn nằm im trên mặt đất. Trời đất dần sáng ra, con rồng mệt mỏi từ từ trườn về phía biển sâu. Chưa kịp hoàn hồn sau cơn kinh thiên động địa, thì từ dưới biển, một con rùa vàng khổng lồ hiện lên, đến bên túp lều và nói với lão, giọng như sóng gào, biển thét, âm vang như vực sâu núi thẳm:

- Ta là thần Kim Quy, ta muốn ngươi phải gắng sức bảo vệ giọt máu này của Long Quân.

Biết là thần linh hiển thị, cụ già than thở:

- Tôi tuổi già, sức yếu làm sao đủ sức đảm đương công việc hệ trọng này.

Thần Kim Quy liền trao cho cụ già một chiếc móng và nói:

- Ngươi đừng lo, hãy cấm lấy chiếc móng này và hễ có chuyện chẳng lành thì cứ đặt móng bên ta, ta sẽ chỉ cách cho.

Cụ già nhận chiếc móng nhưng trong lòng không khỏi lo lắng. Đây là tinh huyết của thần Long Vương. Thần đã chọn nơi này để gìn giữ, hẳn có lí do nhưng vật báu nằm ở đây không khỏi thu hút các loài thú dữ và thổ phỉ rừng núi, một mình lão làm sao chống lại được. Nhưng cơ trời đã định, đất thiêng tất rồng ở, cụ ở nơi này đã lâu tất có cách gìn giữ vật báu này.

- Được, tôi xin cố hết sức. cụ già bình tĩnh đáp.

Xong việc, Thần Kim Quy liền quay ra biển và biến mất sau làn nước xanh. Từ đó, cụ già giữ gìn và chăm nom quả trứng rất cẩn thận, không lúc nào lơ là.

Một hôm đang đang ngồi vá lưới, cụ già kinh hãi khi thấy một chiếc xe trâu từ đằng xa vùn vụt lao về nơi chôn cất quả trứng, trên xe có đến hàng chục tên cướp mặt mày hung tợn, vũ khí lăm lăm trên tay. Lo sợ chiếc xe trâu sẽ nghiền nát quả trứng, nhớ đến lời thần dặn, cụ già vội lấy chiếc móng rùa ra đặt sát bên tai mình và cụ nghe một giọng nói dịu dàng vang lên: “Hãy nằm xuống, nằm xuống đi!”. Cụ già liền làm theo, mới vừa nằm xuống, cụ liền hóa thành một con hổ to lớnm móng vuố sắc nhọn, ánh mắt dữ dằn khiến cho bọn thổ phỉ kinh hồn bạt vía vội bẻ lái xe trâu chạy thụt mạng.

Sau đó, để bảo vệ quả trứng thiêng, cụ già dỡ cả túp lều của mình ở đến dựng ngay bên trên chỗ chôn quả trứng Rồng. Cụ không ngờ trứng mỗi ngày một lớn và trồi dần lên khỏi mặt đất. Trứng cứ lớn mãi, lớn mãi choáng gần hết căn nhà tranh bé nhỏ của cụ. Vỏ trứng lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ.

Một đêm cụ già vừa nằm chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy lách tách, thì ra bọn cướp hôm nọ vì tức giận đã quay lại phóng lửa đốt túp lều của cụ. Thấy thế cụ liền khấn xin thần Kim Quy cứu giúp. Vừa khấn xong, cụ già liền thấy mình đang ở trong một hang đá long lanh cẩm thạch rộng rãi và mát mẻ, trong góc hang lại có giường chiếu sẳn sàng. Không còn thấy túp lều đâu nữa. Từ trong chiếc trứng thần, một bé gái xinh xắn bước ra. Đó chính là con gái - giọt máu thiêng của thần Long Quân.

Bước ra khỏi của hang cụ càng kinh ngạc hơn khi xung quanh có năm hòn núi cao xanh thắm, hoa tươi đua nở, chim chóc véo von, muôn thú vây quần tựa như tiên cảnh. Kì lạ thay, cô bé có thể trò chuyện với muôn thú như thể đã quen biết tù lâu.

Từ đó, hai ông cháu sống lặng lẽ trong hang thần cùng chim chóc và thú. Hằng ngày, từng đàn chim thay nhau đi lấy sữa từ trong các mạch đá thần và hái trái cây quanh núi về nuôi cô bé. Chúng còn tha bông vải từ các nơi về dệt nên những bộ quần áo xinh đẹp cho cô bé và ông cụ. Những ngư dân quanh vùng tuy có kinh ngạc nhưng vô cùng yêu mến và giúp đỡ hai ông cháu. Ông lão còn hái thuốc giúp người dân chữa bệnh, được mọi người hết sức cảm phục.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô bé giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời. Một hôm, có chàng Hoàng tử con vua đi săn với đoàn tùy tùng đi lạc đến cửa hang dưới chân núi đã nhìn thấy cô gái, quá si mê với vẻ đẹp kiều diễm, chàng đã trở về xin vua cha cho cưới nàng làm vợ. Ông lão vô cùng buồn rầu nhưng vì hạnh phúc của đứa con của thần nên ngậm ngùi tiễn đưa cô về cung điện cùng hoàng tử.

Khi đoàn tùy tùng vừa rời khỏi, mặt biển bỗng trở nên dữ dội, thần Kim Quy hiện lên, giọng vang vang:

- Ngươi đã làm tròn bổn phận của mình, Long Vương rất cảm kích. Nay ngươi hãy cùng ta xuống long cung để tận hưởng cuộc sống bất tử. Đó là phần thưởng xứng đáng của Long Vương ban tặng cho ngươi.

Từ đó, người dân gọi nơi ông lão ở và năm ngọn núi là núi Non Nước, là sự kết hợp của trời và đất, thần và người. Tên gọi Ngũ Hành Sơn cũng từ thuở ấy.

Ngũ Hành Sơn – Non Nước là địa danh không những đi vào thơ ca, nhạc, họa từ bao đời nay mà còn lưu tụng ở đó bao nhiêu truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc luôn vượt lên những hoàn cảnh khắc nghiệt để tự tồn tại và phát triển. Thông qua những truyền thuyết về sự tích hình thành Ngũ Hành Sơn, chúng ta cũng thấy được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của những người đi lập nghiệp thời bấy giờ. Đó là tình cảm đối với quê hương đất nước, ý thức hướng về cội nguồn của tất cả mọi người Việt Nam sống ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào.

Bottom Ads
Right Ads